Khoa điều dưỡng - Kỹ thuật y học

Quy Định
Tài Liệu
Video

Chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên giữa Khoa Điều dưỡng – KTYH, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Khoa Điều dưỡng, Đại Học Shijonawate Gakuen Học tập Mô hình Chăm sóc Người bệnh Sa sút Trí tuệ tại Nhật Bản

Trong khuôn khổ Chương trình Sakura Science Program (SSP) của Bộ Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, nhóm 4 giảng viên và 6 sinh viên Cử nhân Điều dưỡng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã có cơ hội giao lưu học tập về mô hình chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ cùng nhóm giảng viên và sinh viên trường Đại học Shijonawate Gakuen, Osaka từ ngày 22 đến 26/01/2024.

Đoàn công tác gồm 04 Thầy cô thuộc khoa: ThS. ĐD. Phạm Dương Thanh Tâm – giảng viên Bộ môn Điều dưỡng Cơ Bản, ThS. ĐD. Nguyễn Thị Huyền Trang – giảng viên Bộ môn Điều dưỡng Lâm sàng, ThS. ĐD. Võ Thị Tám – giảng viên Bộ môn Điều dưỡng Cơ bản, CNĐD. Hoàng Minh Thành – Trợ giảng Bộ môn cấp cứu Ngoài bệnh viện; cùng 06 sinh viên cử nhân điều dưỡng: Tô Bảo Châu – CNĐD2020, Lê Phạm Mỹ Tâm – CNĐD2019, Lê Nguyễn Hạ Thi – CNĐD2020, Nguyễn Hoàng Minh Thư – CNĐD2021, Trần Anh Như – CNĐD2021, Nguyễn Thị Thảo Ngọc – CNĐD2021.

Trong 5 ngày tham gia chương trình, đoàn đã có cơ hội tham quan nhiều cơ sở, bệnh viện và tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích liên quan việc chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ. Đoàn đã tham dự buổi lễ khai mạc chương trình tại Đại học Shijonawate Gakuen, với sự đón tiếp của lãnh đạo trường Đại học tại đây và được giới thiệu về chương trình giao lưu trong những ngày sắp tới. Ngay sau đó, chúng tôi được tiếp cận bài giảng đầu tiên giới thiệu về “Bệnh sa sút trí tuệ”.

Hình 1: Lãnh đạo trường Đại học Shijonawate Gakuen đón tiếp đoàn giảng viên sinh viên trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch ngày đầu tiên đến Nhật Bản.

Cả đoàn đã đến thăm Bệnh viện Nara Higashi ở thành phố Tenri, tỉnh Nara. Chương trình đã lần lượt giới thiệu đến đoàn nhiều mô hình khác nhau hỗ trợ cuộc sống của người cao tuổi, bao gồm khu vực chăm sóc điều dưỡng dành cho người già, khu vực cung cấp dịch vụ ban ngày, căn hộ dịch vụ chăm sóc có trả phí, và nhà tập thể chuyên dành cho người già mắc chứng sa sút trí tuệ.

Hình 2: Lãnh đạo bệnh viện Bệnh viện Nara Higashi chụp hình lưu niệm cùng đoàn.

Đoàn đã có dịp đến tham quan mô hình chăm sóc người cao tuổi tại Bệnh viện Kyowa Marina ở thành phố Nishinomiya, tỉnh Hyogo. Bệnh viện có 8 tầng, trong đó tầng 3-4-5 là nơi chăm sóc người cao tuổi với quy mô trên 100 giường bệnh theo 2 mô hình dịch vụ: chăm sóc trong ngày và viện chăm sóc người cao tuổi. Các sinh viên đã rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi tìm hiểu về mô hình hoạt động của bệnh viên.

Hình 3: Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Kyowa Marina chụp hình lưu niệm cùng đoàn

Các giảng viên và sinh viên đã cùng nhau thực hành và thảo luận sôi nổi về mô hình giảng dạy chăm sóc người cao tuổi tại trường Đại học Shijonawate Gakuen, cùng nhau trải nghiệm cảm giác khó khăn về vận động cũng như suy giảm chức năng của người cao tuổi, nội dung về bệnh học và chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ cũng được nhóm giảng viên Nhật Bản chia sẻ cụ thể trong chương trình.

Hình 4: Trải nghiệm cảm giác của người cao tuổi với các dụng cụ hỗ trợ.
Hình 5: Các giảng viên các trường Đại học Shijonawate Gakuen, Đại học Kyoto chia sẻ về bệnh Sa sút trí tuệ

Sau chuyến tham quan và học tập tại Đại học Shijonawate Gukuen và một số bệnh viện/viện dưỡng lão, đoàn giảng viên và sinh viên trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch đã học tập được nhiều kiến thức mới, trải nghiệm thú vị và rút ra những bài học quý báu cho công tác chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ. Ban đại diện đã trao cho đoàn giấy chứng nhận hoàn thành khóa tập huấn ngắn hạn về mô hình chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ tại Nhật Bản trong khuôn khổ Chương trình Sakura Science Program./.

Hình 6: Nhận giấy chứng nhận tham gia chương trình
Hình 7: Lưu niệm cuối chương trình với giảng viên và sinh viên trường Đại học Shijonawate Gakuen.

Bên cạnh thời gian cập nhật kiến thức chuyên môn về người bệnh sa sút trí tuệ, đoàn giảng viên và sinh viên khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học được tạo điều kiện để tham quan các địa danh nổi tiếng và tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản như chùa Todaiji cổ kính, công viên Nara rộng lớn với rất nhiều nai, lâu đài Osaka với kiến trúc độc đáo, công viên ánh sáng thành phố Kobe…. Đến thăm nhà máy sản xuất mayonnaise Kewpie ở thành phố Kobe, đoàn được tận mắt nhìn thấy dây chuyền sản xuất công nghiệp khép kín sạch sẽ và chuyên nghiệp của Nhật Bản.

Hình 8: Chùa Todaiji, bảo vật quốc gia Nhật Bản, di sản thế giới do UNESCO công nhận
Hình 9: Vườn nai ở Chùa Todaiji và công viên Nara

Hình 10: Công viên ánh sáng Thành phố Kobe
Hình 11: Lâu đài Osaka cùng các bạn SV Nhật Bản
Hình 12: Công ty Kewpie

Chương trình trao đổi giảng viên và sinh viên giữa hai trường không chỉ mang lại kiến thức mới mà còn mở ra cơ hội hợp tác và giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản. Đây cũng là động lực giúp các sinh viên Điều dưỡng sau này có thể trang bị cho mình kiến thức chuyên môn cũng như khả năng ngoại ngữ tốt để sẵn sàng tham gia nhiều chuyến giao lưu, học hỏi tương tự trong tương lai. Đây là lần thứ hai Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch cử đoàn giảng viên và sinh viên tham gia giao lưu quốc tế tại Nhật Bản theo chương trình Sakura Science Program.

ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang

Quy Định
Tài Liệu
Video
vận chuyển container bằng sà lan Viện dưỡng lão TPHCM Máy đóng gói bao bì tự động