Nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức cho giảng viên và sinh viên điều dưỡng, sáng ngày 05/3/2024, Khoa Điều dưỡng – Kỹ thuật Y học (ĐD – KTYH) Trường Đại học (ĐH) Y khoa Phạm Ngọc Thạch phối hợp với nhóm giảng viên Nhật tổ chức buổi tập huấn với chủ đề “Chăm sóc người cao tuổi bị sa sút trí tuệ”.
Hiện nay, Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hoá dân số và là một trong các quốc gia có tốc độ già hoá dân số nhanh nhất thế giới. Trước bối cảnh già hoá dân số gia tăng kéo theo các bệnh ở nhóm người lớn tuổi có xu hướng tăng theo. Một trong số đó là bệnh sa sút trí tuệ, căn bệnh mang lại áp lực nặng nề với người bệnh, người chăm sóc, gia đình và xã hội. Với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ toàn dân, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã tổ chức chương trình tập huấn trang bị cho giảng viên và sinh viên Khoa ĐD – KTYH kiến thức về chăm sóc người cao tuổi bị sa sút trí tuệ.
Chương trình có sự tham dự của các giảng viên Nhật Bản gồm: GS. TS. BS. Shoichi Matsuba, Giảng viên Đại học Doshisha; GS. BS. Uemoto Masaharu, Giảng viên danh dự Đại học Kobe; PGS. TS. BS. Masanori Isobe, Giảng viên Đại học Kyoto; PGS. ĐD. Sawada Ai, Giảng viên Đại học Shijonawate Gakuen và ThS. ĐD. Komura Tomoko, Giảng viên Đại học Chăm sóc Sức khỏe Tokyo.
Về phía nhà trường, có TS. ĐD. Đặng Trần Ngọc Thanh, Trưởng Khoa ĐD – KTYH; PGS. TS. BS. Cao Văn Thịnh, Cố vấn Khoa ĐD – KTYH; ThS. Lâm Thị Thu Tâm, Phó Trưởng Khoa ĐD – KTYH; cùng các giảng viên và sinh viên Khoa ĐD – KTYH.
Tại buổi tập huấn, PGS. TS. BS. Masanori Isobe, Giảng viên Đại học Kyoto cho biết sa sút trí tuệ là một hội chứng suy giảm trí nhớ, suy nghĩ, hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Trên thực tế các dấu hiệu bệnh khá mơ hồ, không cụ thể rõ ràng nên thường hay bị bỏ sót hoặc nhầm lẫn với hội chứng suy giảm trí nhớ thông thường ở người già. Chính điều này, đã khiến nhiều bệnh nhân bị sa sút trí tuệ được phát hiện khi bệnh đã bước vào giai đoạn trung bình hoặc nặng.
Trong quá trình tập huấn, PGS. TS. BS. Masanori Isobe đã chỉ ra sự khác biệt của triệu chứng bệnh sa sút trí tuệ và hội chứng suy giảm trí nhớ thông thường ở người già, các kỹ thuật hình ảnh, các phương pháp để nhận biết, chẩn đoán và điều trị bệnh.
Theo PGS. TS. BS. Masanori, sa sút trí tuệ là một căn bệnh nguy hiểm vì chưa có cách chữa trị dứt điểm, nhưng nếu được chẩn đoán sớm, chúng ta có thể đưa ra các phác đồ hợp lý để làm giảm tốc độ phát triển của bệnh, đồng thời, có thể giúp người mắc và gia đình có sự chuẩn bị cho tương lai. Việc xây dựng chiến lược phòng chống sa sút trí tuệ một cách có hệ thống với sự tham gia của nhiều ngành liên quan như y tế, hệ thống công tác xã hội, hệ thống phúc lợi sẽ đảm bảo cho người già có được một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn.
Tiếp nối chương trình, GS. TS. BS. Shoichi Matsuba, Giảng viên Đại học Doshisha đã trình bày các nội dung liên quan đến vấn đề “Đạo đức trong việc kiểm soát hành vi của người bị sa sút trí tuệ”. Trong phần trình bày của mình, GS. TS. BS. Shoichi Matsuba đã đặt câu hỏi và trao đổi về vấn đề “Làm thế nào để bảo vệ quyền tự chủ và sức khỏe của những người mắc chứng sa sút trí tuệ từ góc độ đạo đức?”. Câu hỏi này đưa các thành viên tham dự chương trình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc tôn trọng quyền tự chủ và nguyên tắc mang lại lợi ích tối ưu cho người bệnh. Sau nhiều ý kiến thảo luận, GS. TS. BS. Shoichi Matsuba đã đưa ra kết luận vấn đề này không có một tiêu chuẩn đánh giá cố định nào, tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ hay người chăm sóc sẽ đưa ra những sự lựa chọn khác nhau. Trên hết, Giáo sư cũng nhắc nhở, trong trường hợp sa sút trí tuệ, khái niệm tự chủ cần được xem xét rộng hơn, cần đánh giá năng lực ra quyết định của người bệnh và cần cung cấp khả năng ra quyết định giữa người bác sĩ/ người chăm sóc và bệnh nhân để hỗ trợ việc tự đưa ra quyết định sẽ mang lại lợi ích cho người bệnh.
Cuối cùng, ThS. ĐD. Komura Tomoko, Giảng viên Đại học Chăm sóc Sức khỏe Tokyo đã lý giải một loạt các hành động khác thường ở người bị bệnh như: hiện tượng đi lang thang, ăn nhầm đồ không ăn được, hay bôi bẩn lên đồ vật xung quanh,… để từ đó nhắn nhủ các điều dưỡng/ người chăm sóc cần có sự bao dung và cần thấu hiểu hơn cho người bệnh. Một điều khác cũng cần được lưu ý hơn, đó là đừng bỏ qua các triệu chứng bệnh tật hay các rối loạn về thể chất của người bị sa sút trí tuệ, bởi vì, chứng sa sút trí tuệ sẽ ngăn cản họ phàn nàn cũng như ngăn cản họ báo cho chúng ta các biểu hiện bất thường về sức khỏe của họ.
TS. BS. Đặng Chí Vũ Luân